Saturday, May 13, 2006

LỖI VÀ SỬA LỖI HỆ THỐNG !

Bộ máy Nhà nước cũng giống như những cỗ máy. Nó vận hành theo những cơ chế thống nhất và mỗi một bộ phận đều có những công năng riêng.
Mỗi hệ thống quản trị đều được thiết kế, ra đời và phát triển vào những giai đoạn lịch sử nhất định dựa trên những nguyên tắc nhất định. Để có thể thích nghi và tồn tại, các hệ thống này không ngừng “sửa lỗi” và hoàn thiện. Trong một xã hội dân chủ pháp quyền, việc “bắt lỗi” và “vá lỗi” của hệ thống là công việc thường xuyên của các chính trị gia, cũng giống như các chuyên viên của Microsoft sửa “lỗi hệ thống” hàng ngày.
Chuyện xưa
Xưa, sự cho phép ra đời của Triết học Karl Marx ngay trong lòng xã hội tư bản đã góp phần làm nên những cuộc cách mạng vô sản sau đó, đồng thời “vá” lại những lỗ thủng khổng lồ của chủ nghĩa tư bản đế quốc.
Ở Marx, sự “sướng” cộng hưởng đã xuất hiện khi có sự kết hợp bất ngờ giữa tài năng và sự xúc động cá nhân. Hiệu ứng tâm lý nhất thời đó đã đem đến vinh quang và đau khổ cho hàng trăm triệu người mà ngay bản thân người “phát minh” ra nó cũng không nhận biết được vì nó đến “tràn trề” trong “tha hoá” .
Xưa hơn nữa, lịch sử cũng vui mừng đón nhận tinh thần “Khế ước xã hội” của Jean Jacques Rousseau trong thực tiễn sinh động bằng cuộc cách mạng dân chủ tư sản pháp 1789 mà mục tiêu “Tự do–Bình đẳng –Bác ái” của nó, dù ít dù nhiều, đã tạo thêm nguồn cảm hứng để Chủ tịch Hồ Chí Minh rời bến Nhà rồng.
Rousseau phác thảo về cỗ máy quản trị xã hội với một xã hội công dân
Ra đi, dù là để tìm cách cứu mình đặng cứu Cha hay “tìm đường cứu nước” thì đó cũng là mục tiêu tốt. Tinh thần này là đáng khâm phục. Luỹ tre làng xứng đáng lùi lại phía sau. Và đại dương, như tự ngàn đời, luôn chào đón những tâm hồn quả cảm.
Chính J.J Rousseau, thông qua tác phẩm Khế ước xã hội, đã phác thảo lên “hình ảnh” cỗ máy quản trị xã hội với một xã hội công dân và nhà nước pháp quyền.
Hơn 2 thế kỷ trôi qua. Trong đó có một thế kỷ lao xao tiếng nói xen lẫn tiếng bước chân vội vàng của những người tốt bụng lạc lối lầm đường - say mê đến ngơ ngác - vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến việc tổ chức vận hành các thiết chế chính trị và xã hội loài người chúng ta ngày nay. Nó vẫn tiếp tục được sửa chữa và hoàn thiện trong một thực tế biến động không ngừng với những cơ hội và thách thức quấn chặt lấy nhau.
Có những “hệ thống” mà như ông Nguyễn Trung đã nói “sự tha hoá nằm ngay chính trong hệ thống” và bản thân sự hư hỏng đã được “cài vào” đó. Cũng có những hệ thống mà chính bản thân sự “sửa lỗi” đã được “cài đặt” trong hệ thống đó, khi nó “để cho người dân được mở mồm ra nói - Hồ Chí Minh” với một cơ chế tiếp nhận, phản ánh và xử lý trong độc lập và khách quan.
Nước Mỹ là quốc gia mà ngay từ khi khai sinh đã có nền dân chủ lập hiến dựa trên tư tưởng “Tam quyền phân lập” trong “Tinh thần pháp luật –L’esprit des lois” của Montesquieu và Khế ước xã hội của J.J Rousseau. Hiện nay nước Mỹ cũng đang đứng trước những thách thức “chết người”. Nhưng những người lạc quan cho rằng họ dễ dàng vượt qua vì hệ thống của họ đã được “thiết kế” để vượt qua. Qủa thật, tư tưởng của “cặp” thiết kế gia vĩ đại người Pháp nửa sau của thế kỷ thứ 18 cứ ánh xạ lên việc tổ chức và thực hiện quyền lực của các Nhà nước hiện đại. Và gần đây nó cứ ám ảnh tôi.
Chuyện nay
Đó cũng là vấn đề thời sự của chúng ta hôm nay.
Tất cả chúng ta đều hiểu rằng Việt Nam là một quốc gia mà nền tảng tôn giáo, chính trị và ý thức hệ khác biệt nhau trong một thời gian dài, giữa miền bắc và miền nam, giữa trong nước và ngoài nước.
Bởi vậy, tìm kiếm thoả mãn những dị biệt trong thống nhất lại càng trở nên quan trọng. May thay! Ta có một hy vọng, thuộc về bản chất, rằng đa nguyên mang lại giá trị của sự thương nhượng và làm giảm tính chất cực đoan trong các thể nhân. Đa nguyên tự bản thể đã cổ súy cách “tôn trọng ý kiến khác biệt”, đã làm cho con người trở nên có học và dễ thương hơn vì nó luôn luôn phải thừa nhận rằng có thể có “nhiều hơn một” giải pháp đúng và hiệu quả.
Đã từng có những cơn Đại hồng thuỷ, những Kỷ băng hà, hay dấu hiệu sự sống trên hành tinh đỏ cho thấy sự phát triển của con người đã từng phải trả giá vì những vi phạm làm tổn thương nghiêm trọng đến sự cân bằng tự nhiên. Những cơn sóng thần có thể còn nhiều hơn và Bão Katrina có thể còn mạnh hơn nếu như Mỹ vẫn tiếp tục không coi trọng hiệp ước Kyoto.
Thể chế chính trị cũng vậy, đã từng đến rồi đi, bao nhiêu triều đại, dù vinh quang hay nhục nhã, dù lâu dài hay ngắn hạn, thế sự cứ xoay vần quanh những quy luật bất biến về âm dương, về lòng người, tự nhiên và xã hội.
Tạo Hoá muốn cho ta biết màn đêm thì đen nên đã tạo ra ánh sáng ban ngày, cho lá rụng vào mùa thu và cây cối nẩy lộc vào mùa xuân. Tạo hoá còn cho ra một con người với biết bao nhiêu sự khác biệt trong tư duy vẫn tồn tại với tư cách là những chỉnh thể thống nhất.Yêu trong tim và suy nghĩ trong đầu nhưng trái tim ngừng đập thì bộ não lặng im. Sự thay đổi ý nghĩ ( đổi ý – thay đổi tư duy) là một nét cơ bản tạo nên sự thống nhất của con người trong xu hướng tìm đến và (để) phục vụ Chân - Thiện - Mỹ.
Đừng sợ đa nguyên
Bởi đa nguyên tôn trọng tính đa dạng trong tổ chức xã hội trên một nền thống nhất chung. Nó thể hiện vai trò sáng tạo của cá nhân nhưng luôn bảo vệ lợi ích của số đông theo nguyên tắc dân chủ. Và, “Dân chủ có thể giảm bớt những bất trắc chính trị vì làm cho công dân tin rằng họ có thể bất đồng với chính sách hiện thời, nhưng sẽ luôn có cơ hội thay đổi – J.J Rousseau.”
Trong chính trị, sự xác nhận về tính phong phú của công dân thông qua các nhóm lợi ích trên cơ sở luật pháp là nét đặc trưng của một nhà nước pháp quyền.
Vị trí chủ nhân thuộc về tất cả 82 triệu người Việt chúng ta chứ không riêng của một nhóm người nào cả.

Nhiều người sợ đa nguyên sẽ tạo nên đối đầu hoặc bất ổn nhưng lịch sử đã kiểm nghiệm lý thuyết của Triết gia Pierre Abélard từ thế kỷ 11 là đúng. Ông nhấn mạnh nguyên lý về đa nguyên là "diversa non adversa" (khác biệt nhưng không đối địch) vì biết rằng nhà nước, cũng giống như con người, là một cỗ máy có tổ chức chứ không phải là sự hỗn mang - mất dạy.
Đất nước ta đã kinh qua những gian khó, cả về thể chất lẫn tinh thần. Đất nước chúng ta đã từng bị chia rẽ cả về địa lý lẫn tư duy.
Cách đây 31 năm chúng ta đã có một chiến thắng. Cái chiến thắng “làm cho hàng triệu người vui nhưng cũng làm cho hàng triệu người buồn – Võ Văn Kiệt” nhưng nếu như có được một sự thống nhất trong đa đại diện có thể làm cho hầu hết mọi người vui vì cảm thấy rõ tiếng nói dù nhỏ nhoi của mình vẫn được phản ánh trong cơ cấu quyền lực chung.
Trong đó cái riêng nhận thấy mình nơi cái chung và cái chung là hình ảnh của những cái riêng. Chính tôi cũng đã được Đảng dạy rất nhiều về vấn đề này khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng tôi quá ngạc nhiên trong thực tế. Lúc tôi đang viết những dòng chữ này thì có hơn 90% đảng viên cộng sản đang chiếm ghế trong quốc hội của 82 triệu người dân Việt. Đó là một điều hết sức bất bình thường vì số lượng đảng viên cộng sản chỉ chiếm khoảng 3.5% dân số.
Tổ quốc chúng ta có được không phải bằng một nghi thức mà bằng lao động, bằng máu và nước mắt.
Tổ quốc chúng ta đã được tạo nên do những liên kết thiêng liêng của các cá thể, các nhóm lợi ích và các sắc tộc.
Chính vì vậy, vị trí chủ nhân thuộc về tất cả 82 triệu người Việt chúng ta chứ không riêng của một nhóm người nào cả. Vì vậy bộ máy Nhà nước phải thực sự là đại diện cho lợi ích chung như Điều 2 của Hiến Pháp năm 1992 khẳng định Nhà nước là:“ của dân, do dân và vì dân”.
Bởi, toàn dân chúng ta sở hữu đất nước này và một trong những quyền quan trọng của sở hữu là quyền “định đoạt” chứ không phải chỉ là sự “chiếm hữu” hay “sử dụng”.
Nên, trong những thời điểm đất nước cần phải tranh luận để ra những quyết định khó khăn, mỗi một người dân, với tư cách là công dân của một nước, có quyền và nghĩa vụ đối với những bước đi của vận mệnh dân tộc và phải cất tiếng nói tự đáy lòng mình với một tấm lòng trung trinh và “thơ ngây như con trẻ”.

Bài viết đã đươược đăng tại BBC theo địa chỉ

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/03/060323_lequocquan_hethong.shtml

No comments:

Post a Comment